Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao hiện đang là vấn đề gây không ít cản trở cho sự phát triển của ngành Thủy sản ở Quảng Ninh. Điều này có thể minh chứng rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản. Trên địa bàn tỉnh, trừ cơ sở sản xuất giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại huyện Đầm Hà vừa đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng, chỉ có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng. Trong đó có đến 1/3 số cơ sở đang hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng sản xuất. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những khó khăn, tồn tại trên là do đội ngũ lao động kỹ thuật thiếu và yếu, đa số chưa được đào tạo, tập huấn, chủ yếu sản xuất dựa vào kinh nghiệm là chính, dẫn đến không theo kịp những kiến thức khoa học về giống thủy sản đang được cập nhật từng ngày, không cho ra được nguồn giống chất lượng cao phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay tại các cơ sở, hộ chăn nuôi thủy sản, kể cả các đơn vị có ứng dụng KHCN cao vào sản xuất, thì các lao động kỹ thuật về cơ bản đều không được đào tạo chính quy. Tỷ lệ lao động có kỹ thuật so với lao động phổ thông cũng rất nhỏ, chỉ chưa đến 10%.
Trên thực tế, các trường nghề đào tạo lao động kỹ thuật cao cho ngành Thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay không thiếu, nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được học viên theo học.
Cụ thể như tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản đều có trụ sở tại tỉnh từ lâu, để thực hiện công tác chiêu sinh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho ngành Thủy sản. Lợi thế của những đơn vị này là hình thức đào tạo cầm tay chỉ việc trong thời gian ngắn, phần lớn thời gian học tập đều gắn với thực hành thực tế, đào tạo đúng và trúng ngay những vấn đề người học cần. Tuy nhiên, lượng sinh viên theo học ở các đơn vị này hàng năm đều rất ít, chủ yếu là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thủy sản muốn học hỏi, cập nhật thêm kiến thức.
Từ năm 2016, khi Khoa Thủy sản (Trường Đại học Hạ Long) được thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên, tỉnh đã có thêm một địa chỉ đáng tin cậy để hỗ trợ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Thủy sản. Với cơ sở vật chất phục vụ học tập được xây dựng đồng bộ, bao gồm hệ thống phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị hiện đại, khu thực hành sản xuất giống, khu thực hành nuôi thương phẩm... và đội ngũ giảng viên có chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Khoa Thủy sản hiện đang được xác định là khoa đào tạo mũi nhọn của Đại học Hạ Long.
Tuy nhiên đến nay, qua 3 mùa tuyển sinh hệ đại học chính quy, số sinh viên lựa chọn đăng ký và theo học ở Khoa Thủy sản vẫn rất hạn chế. Khóa đầu tiên ở năm học 2016-2017, Khoa Thủy sản chỉ có 12 sinh viên. Các năm học sau, mỗi khóa cũng chỉ tuyển sinh được khoảng 10 sinh viên.
Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường Đại học Hạ Long), cho biết: Các sinh viên theo học chuyên ngành Thủy sản hiện nay đều đang được đào tạo chắc về kiến thức và gắn chặt với thực hành thực tế. Từ năm thứ 2, sinh viên đã được thực tập tại cơ sở liên tục trong 2 tháng; đến năm thứ 3, thứ 4 là 4 tháng trở lên. Trong quá trình thực tập, sinh viên được các cơ sở, đơn vị đánh giá cao về cả kiến thức, kỹ năng, lẫn niềm đam mê, say nghề. Nhiều sinh viên đã được các cơ sở thực tập bồi dưỡng thêm sinh hoạt phí, có được nguồn thu nhập đầu tiên. Khi tốt nghiệp sinh viên cơ bản có việc làm ngay, đây sẽ là động lực khích lệ các em tiếp tục học tập, nghiên cứu, hoàn thiện bản thân hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh các ngành như quản trị kinh doanh, du lịch - lữ hành, khách sạn - nhà hàng, ngoại ngữ... thì đào tạo ngành Thủy sản hiện vẫn chưa mấy hấp dẫn để thu hút sinh viên theo học.
Với định hướng hiện nay của tỉnh về thu hút sinh viên vào Trường Đại học Hạ Long, cùng với định hướng phát triển ngành Thủy sản của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030, hy vọng trong những năm học tới, ngành Thủy sản sẽ thu hút được đông sinh viên hơn nữa, góp phần giải bài toán khó trong đào tạo lao động kỹ thuật cao cho ngành Thủy sản Quảng Ninh.