TIN TỨC KHÁC

Tín Hiệu Lạc Quan Từ Thị Trường Và Cơ Hội Tăng Tốc Cho Ngành Thuỷ Sản Cuối Năm 2024

Cuối năm luôn là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bứt phá, khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế tăng cao nhằm phục vụ các dịp lễ, tết.

5 Yếu Tố Tác Động Đến Thị Trường Thép Việt Nam

 Dù đối mặt với sự suy yếu từ thị trường bất động sản Trung Quốc, thị trường thép Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi tích cực nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.


Ngành thép Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng 11% trong năm 2025

Với động lực từ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và sự hồi phục của thị trường bất động sản nhờ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, ngành thép Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt bình quân 14% trong năm 2024 và 11% trong năm 2025.


Lập Kỷ Lục Xuất Khẩu Thuỷ Sản Việt Nam Hơn 1 tỷ USD Trong 1 Tháng

Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu sau 27 tháng (từ tháng 6/2022) xuất khẩu thủy sản theo tháng vượt mốc 1 tỷ USD

Nhập Khẩu Sắt Thép Của Việt Nam Tăng Mạnh Trong 9 Tháng Đầu Năm 2024

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép với tổng trị giá trên 8,97 tỷ USD, tăng 31,7% về khối lượng và 19% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu tôm - Quá khứ, hiện trạng và triển vọng

Hiện trạng và xu thế nuôi tôm công nghệ cao

Để tăng mức tiêu thụ, giải pháp căn cơ nhất là giá bán mềm hơn, ngoài yếu tố an toàn. Để có giá tiêu thụ mềm, giá thành tôm nuôi phải giảm, muốn vậy phải tăng năng suất ao nuôi, tăng tỉ lệ thu hồi... Như vậy công nghệ nuôi tôm sẽ là một nhân tố quyết định khả năng tăng mức tiêu thụ. Những năm gần đây, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành nuôi tôm đã có những bước phát triển khá mạnh. Công nghệ nuôi tôm có nhiều thay đổi, công nghệ thâm canh kỹ thuật cao, năng suất cao ngày càng định hình. Song song đó, tôm thẻ chân trắng bố mẹ cũng được nghiên cứu để lai tạo ra những thế hệ tôm sạch bệnh, kháng bệnh, tăng trưởng nhanh… góp phần to lớn cho sự thành công của ao nuôi. Kinh nghiệm cho thấy, sức sống tôm giống thả nuôi quyết định trên 50% thành bại ao nuôi. Tôm khỏe, sạch bệnh, mau lớn sẽ dễ vượt qua thử thách thời tiết hoặc dịch bệnh nhẹ. Yếu tố thứ hai tác động kết quả ao nuôi là môi trường nuôi (nước nuôi, nhiệt độ, gió, mức an toàn sinh học ao nuôi…).

Trong đó nước nuôi có ảnh hưởng hàng đầu. Các chỉ số lưu ý trong nước là pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong, mức oxy hòa tan… Các yếu tố này có thể kiểm soát bằng các đầu dò kết nối, chủ ao có thể theo dõi từng lúc trên smartphone. Ngoài ra các phần mềm chuyên biệt có thể phân tích tình hình phát triển ao tôm, đưa ra các hướng dẫn nên làm gì để ao tôm có kết quả tốt như bổ sung dinh dưỡng gì hay giải pháp phòng trị bệnh…

Hai yếu tố căn bản trong nuôi tôm là con giống và kiểm soát nước được giải quyết tốt sẽ làm tăng hệ số thu hồi, tăng năng suất, góp phần làm giảm giá thành nuôi tôm. Về con giống, Việt Úc công bố đã từng bước gia hóa thành công và tự chủ để có tôm giống tốt cung ứng người nuôi. Mặt khác tôm giống C.P nổi tiếng nhất hiện nay cũng đang mở rộng quy mô cung ứng tại Việt Nam. Về mô hình nuôi tiên tiến, hiện nay có nhiều đơn vị quảng bá cho mô hình nuôi tôm của mình. Cái chung là nuôi an toàn; không lạm dụng hoá chất, kháng sinh; công nghệ cao, thâm canh cao, năng suất cao; tỉ lệ thu hồi cao, giá thành thấp. Có thể kể ra một số quy trình nuôi khá tiếng tăm như quy trình CPF Combine Model của hãng C.P Việt Nam; quy trình nuôi siêu thâm canh trong nhà kín của Việt - Úc. C.P Việt Nam đề ra kỳ vọng đạt 25.000 ao nuôi theo mô hình mình quảng bá và hướng dẫn, đạt sản lượng nữa triệu tấn.

Mô hình nuôi của Việt Úc đạt năng suất hàng trăm tấn trên hecta, tuy chưa phổ biến rộng nhưng chủ đầu tư đã đề ra chương trình hình thành khoảng một ngàn hecta nuôi ở cả ba miền đất nước. Cả hai mô hình tiếng tăm này đều có khả năng nhân rộng, phổ biến. Người nuôi có, đất làm ao nuôi chuẩn mực có; cái thiếu là vốn đầu tư. Công nghệ nuôi, thật ra còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện đất nước, thời tiết từng khu vực. Phải có sự nghiên cứu căn cơ hỗ trợ người nuôi lựa chọn công nghệ nuôi, tránh phải rút kinh nghiệm bằng sự trả giá qua “trải nghiệm”. Vốn, Chính phủ có chủ trương khuyến khích tốt hơn sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nuôi tôm nói riêng, nhiều hơn. Mặt khác cần nới lỏng tín dụng, xem xét rộng hơn tài sản thế chấp.

Kết quả xuất khẩu tôm các năm qua và cái nhìn thời gian tới



Qua diễn biến năm năm từ 2015 đến 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt quanh quẩn ở mức 3,4- 3,5 tỷ USD. Tính ra mức tăng trưởng trung bình trong năm năm qua khá thấp, không tới 5%. Theo phân tích trên, chứng tỏ giá thành tôm nuôi Việt có cải thiện nhưng còn cao. Chứng minh là chưa tăng mạnh sản lượng tiêu thụ. Đồng thời sản lượng chung tăng trường cũng trong khoảng 5% trở lại.

Nhìn về năm 2025 với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với số thực hiện năm 2019. Trình độ chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp tôm Việt đang đạt đẳng cấp cao của thế giới. Ở góc độ làm tăng giá trị, tăng giá bán sẽ không có chênh lệch nhiều với việc muốn tăng kim ngạch xuất khẩu tập trung vào tăng sản lượng tiêu thụ. Với mức giá tiêu thụ không cao hiện nay, mức tiêu thụ chung của thế giới chỉ tăng một con số. Nếu giá tiêu thụ hiện nay thấp hơn thì người nuôi sẽ lỗ, không bền vững.

Tình hình này khiến có ý kiến là chúng ta nên quan tâm góc độ bão hoà của thị trường. Tuy nhiên, chắc chắn không một cường quốc nuôi tôm nào chấp nhận tình trạng bão hoà này. Họ sẽ chú tâm chuyển đổi công nghệ nuôi có giá thành, giá bán rẻ hơn để tranh giành thị phần trên thế giới. Chắc chắn đây là xu thế đang diễn ra và sẽ kéo dài. Như vậy, nếu công nghệ nuôi tiên tiến thành công như dự tính, giá tôm tới đây luôn có xu hướng đi xuống. Theo lý thuyết, để tăng kim ngạch xuất khẩu lên gần gấp ba năm 2025, sản lượng tôm nuôi cũng phải có tỉ lệ tăng tương ứng, ít ra cũng gấp hai lần rưỡi. Cụ thể năm 2019 sản lượng tôm Việt đạt 0,7 triệu tấn, năm 2025 phải đạt trên 1,7 triệu tấn. Mặt khác để tiêu thụ hết lượng tôm to lớn nói trên, giá thành tôm nuôi Việt phải có cuộc “cách mạng”. Từ giá thành đang cao hơn các nước từ 10 đến 20% phải chuyển biến làm sao thấp hơn các nước ít ra 10%. Lúc đó tôm Việt mới mong tranh giành được miếng bánh thị phần từ các cường quốc nuôi tôm đang cố giữ và tranh thêm.

Quả đây là những bài toán quá khó cho chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD năm 2025, bởi muốn đạt con số đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phải đạt trung bình 20% cho suốt 6 năm tới. Mức tăng trưởng này gấp 3 mức tăng trung bình của thế giới. Giả sử xảy ra khả năng tốt nhất là đạt sản lượng tôm như nêu trên, khả năng chế biến như nhà xưởng, kho lạnh phải phát triển tương ứng. Nhân sự cho mảng marketing cũng phải trưởng thành kịp thời. Chỉ sơ suất, thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến các hệ quả không hay, có thể như tình trạng dư thừa cá tra giai đoạn 2010 – 2016, giá sẽ giảm mạnh do thừa cung, người nuôi sẽ bị thua lỗ.

Kết luận

Tóm lại, khát vọng không thể thiếu. Nhưng mỗi ngành kinh tế có những đặc thù riêng và những ngành có tính chất cạnh tranh toàn cầu quyết liệt thì hết sức thận trong trong tính toán đường đi nước bước của mình. Phải biết đối thủ bên cạnh việc đánh giá chính xác tình hình của ta mới có thể chắc ăn. Diễn biến nuôi tôm thời gian qua người nuôi thua lỗ chiếm…áp đảo! Sự thay đổi thần kỳ của công nghệ nuôi chỉ có thể tạo ra của cải hiệu quả khi có người nắm chắc công nghệ và có vốn. Nói cách khác, công nghệ mới mang lại thành công khi có con người đủ kiến thức và có tài chánh khá. Đó là nút thắt. Mặt khác cũng nên xem chỉ tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm 2025 là phản ảnh sự khát vọng vươn lên của cả ngành tôm hơn là con số quá cao xa. Để sự khát vọng vươn xa, ngoài nút thắt nêu trên còn việc chú trọng sự đồng bộ của các yếu tố cấu thành chuỗi giá trị con tôm trong từng giai đoạn như khả năng cung ứng tôm giống tốt, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm, chế biến, kho lạnh…để từng bước ngành tôm Việt mạnh mẽ đi lên, đứng vào top 2 và dẫn đầu thế giới trong tương lai không xa.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN