Thách thức dịch bệnh chưa từng có
Tính chung 7 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Song, trong 7 tháng, nhập khẩu thủy sản cũng đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 19%. SAu khi tăng 16% vào nửa đầu tháng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 7/2021 bị sụt giảm khoảng 15-20% khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so cùng kỳ đạt 374 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so cùng kỳ năm ngoái với 763 triệu USD. Tháng 7, xuất khẩu tôm sụt giảm 4% so cùng kỳ đạt 374 triệu USD. Xuất khẩu cá tra và cá ngừ giảm khoảng 5%; mực, bạch tuộc giảm 9% đạt khoảng 47 triệu USD; cua ghẹ giảm 3% và các loại cá khác giảm 2%.
Phản ứng của thị trường
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm mạnh.
Thống kê của Tổ công tác 970 hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Công suất của nhiều nhà máy chỉ khoảng 30-50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lượng tôm bố mẹ hiện có khoảng 55.000 con, giống cá tra chủ động sản xuất được khoảng 150-200 triệu con/ tháng đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi. Cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có 56 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài với công suất thiết kế khoảng 5,2 triệu tấn/năm và 6 nhà máy có vốn đầu tư trong nước với công suất thiết kế khoảng 4,7 triệu tấn/ năm đủ cung cấp thức ăn cho nuôi trồng.
Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đang phải đối mặt với hai khó khăn lớn. Thứ nhất là về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng NAi, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy vẫn khó khăn do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.
Thứ hai, về khâu tiêu thụ, một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" đang gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Đặc biệt, các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy cần phải tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của các nhà máy chế biến.
Chính phủ đồng hành, chia sẻ
Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp.
Đại diện VASEP cho biết, dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Do đó, đã đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy... Đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta phải tiếp tục kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Thủ tướng Chính Phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam