Nguy cơ thiếu cá tra size 0,8 - 1 kg cho đến đầu năm 2022
Các nguồn tin của trang Undercurrent News cho biết kể từ khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giãn cách xã hội, xuất khẩu cá tra trong tháng 8, tháng 9 giảm mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp.
"Trong tháng 9, chúng tôi cho rằng xuất khẩu sẽ tăng nhưng sẽ không trở lại mức tháng 7, chỉ khoảng 50.000 tấn.
Xuất khẩu cá tra dự kiến "bình thường" trở lại vào tháng 11 hoặc tháng 12, nhưng cũng có thể bước sang năm 2022, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát COVID-19", nhà phân tích cho biết.
Ngành cá tra Việt Nam đã khó lại thêm khó khi thiếu hụt nguyên liệu kích cỡ 0,8 – 1 kg, đây là size để philê và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.
Trước đó, người nuôi cá tra đã buộc phải nuôi cá trong ao, cho ăn cầm cự nhằm duy trì khối lượng, kích cỡ cá ở mức phù hợp.
Trong thời gian gần đây, giá cá tra size 0,8 – 1 kg tăng đột biến do một số nhà chế biến bắt đầu thu mua để cấp đông, chế biến cho các đơn hàng cuối năm.
Theo nhà phân tích, size cá 0,8 – 1 kg có thể thiếu trong thời gian ngắn bởi hiện Việt Nam đã qua mùa thả nuôi chính và cho dù thả nuôi gấp rút cũng không kip bởi cá tra là loại chậm lớn.
Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Siam Canadian tại Việt Nam cho biết size cá này đang rất ít và sẽ bị thiếu hụt trong năm 2022.
Bởi trong 3 tháng qua, các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển khó khăn, nông dân không thể thu hoạch, vận chuyển cá từ trang trại đến nhà máy. Vì vậy, họ phải tiếp tục nuôi cá, chờ nhà máy đến thu mua nhưng đến thời điểm này, hầu hết cá trong các ao đều quá lứa.
Bà Trang nói thêm, Tết Nguyên đán của Việt Nam vào ngày 1/2/2022 và những con cá nhỏ hiện tại cần ít nhất 4 – 5 tháng trong ao nuôi để đạt được kích cỡ tiêu chuẩn.
Do đó, việc thiếu cá tra size chuẩn sẽ đẩy giá nguyên liệu lên cao, ít nhất là từ nay đến quý II/2022.
Tuy nhiên, nhà phân tích lại cho rằng giá cá tra khó có thể tăng như kỳ vọng. Bởi các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu, tức là đơn hàng xuất khẩu sẽ ít hơn mọi năm. Do đó, chỉ có thị trường Mỹ mới có thể thúc đẩy giá cá tra xuất khẩu tăng.
"Theo quan sát của chúng tôi, giá cá tra tại các trang trại đang tăng. Tuy nhiên, chúng có thể giảm mạnh nếu cá tra quá lứa. Hiện giá cá tra xuất khẩu không cao. Vì vậy, giá bán tại các trang trại khó có thể tiếp tục tăng", nhà phân tích cho biết.
Trung Quốc và Mỹ - hai thái cực của thị trường xuất khẩu cá tra
Việc phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam ảnh hưởng nặng nề đến ngành cá tra. Cụ thể, việc thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh nuôi cá tra như Tiền Giang, Cần Thơ vẫn đang rất căng so với các khu vực khác.
"Thực tế, các nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động với công suất thấp. Ngay cả khi nhà máy phục hồi công suất, giá cá tra vẫn chưa tăng. Giá cá tra trong tháng 7 đã có phần khởi sắc. Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã vội lo, giá nguyên liệu đảo chiều vì việc thu mua, vận chuyển quá khó khăn", nhà phân tích cho biết.
Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mạnh bởi nước này siết chặt quy định kiểm dịch SAR-CoV-2 với các mặt hàng thủy sản đông lạnh.
Dù vậy, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức không quá thấp dù việc bán hàng khó khăn hơn trước, một số nhà nhập khẩu vẫn đặt hàng và cọc tiền để đảm bảo sự cam kết.
Ngược lại, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ có phần khả quan hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến sau khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.
Trong tháng 8, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,55 USD/kg, cao hơn mức giá trung bình năm 2019 và gần bằng mức giá cao nhất của năm 2018.
Tuy nhiên, trao đổi với Undercurrent News, ông Bob Noster, Giám đốc kinh doanh của công ty nhập khẩu tôm và hải sản Seattle (Mỹ) cho biết công ty của ông sẽ không thay đổi bất kỳ mức giá nào bởi các nhà máy chế biến ở Việt Nam đóng cửa khiến công ty vô cùng quan ngại về các đơn hàng đã ký, khi nào chúng được sản xuất và xuất xưởng.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu ở Việt Nam đang thiếu hụt vì phần lớn cá tra trong ao đang quá lứa và các nhà của những nguồn đó ở Việt Nam, nói rằng phần lớn cá tra trong ao đang phát triển quá mức và kho lạnh của doanh nghiệp không còn diện tích để trữ đông cá tra chuẩn size.
"Trong khi đó, vận tải biển tiếp tục tăng và diện tích tàu có hạn. Chúng ta khó có thể kỳ vọng về việc giá logistics sẽ giảm trong những tháng còn lại của năm 2021", ông Bob nói.
Hiện nay, lượng hàng tồn kho của Mỹ đang cạn kiệt và những người đầu cơ đang bán nhỏ giọt, đẩy giá lên cao. Do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến, lượng hàng tồn kho dự không cầm cự được lâu. Giá bán các sản phẩm từ cá tra ở Mỹ dao động 2,85 – 3,10 USD/pound.
Ở một diễn biến khác, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường EU vẫn khá lận đận. Giá cá tra đang có xu hướng giảm, nguyên nhân không phải do tác động của dịch COVID-19 mà bởi thực phẩm đông lạnh ở thị trường này đã bão hòa trong suốt thời gian giãn cách xã hội.
"Giá cá tra đang cao so với mức giá xuất khẩu sang thị trường EU. Bởi các nhà máy chế biến thủy sản ngừng hoạt động và không thể đáp ứng các đơn hàng cũ nên họ rất dè dặt trong việc chào hàng.
Bên cạnh đó, giá cước là một yếu tố tác động đến việc xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Giá cước trung bình khoảng 0,6 USD/kg khiến cá tra kém hấp dẫn tại thị trường EU", bà Trang nói.
Hiện nay, các nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ, doanh nghiệp chịu gánh nặng về chi phí ăn, ở, chế độ cho công nhân. Do đó, giá chào hàng cá tra có phần cao hơn để bù đắp cho những gánh nặng của doanh nghiệp.
Theo: vietnambiz