Từ năm 2007-2012, Thái Lan là nước sản xuất, XK tôm đứng đầu thế giới. Nhưng kể từ năm 2013-2017, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 5 sau Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador và Trung Quốc. Năm 2018, Thái Lan đứng thứ 6 trên thế giới về giá trị XK tôm, chiếm 6% trên tổng giá trị XK tôm của thế giới.
Trong giai đoạn 10 năm (2009-2018), XK tôm của Thái Lan tăng trưởng tốt từ 2007-2011 do sản lượng trong nước tăng nhanh trong khi chưa phải chịu áp lực cạnh tranh từ các nguồn cung đối thủ. Năm 2012, Thái Lan phải đối mặt với dịch EMS ở tôm nuôi trên diện rộng, sản lượng giảm mạnh, kéo theo kim ngạch XK giảm.
Từ năm 2012-2015, XK tôm của Thái Lan giảm liên tục và giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2015 do chưa thể phục hồi sản lượng sau dịch EMS và Thái Lan phải đối mặt với nhiều rào cản từ các thị trường NK.
Sau khi phục hồi trong năm 2016, XK tôm Thái Lan lại quay đầu giảm. Năm 2018, XK tôm Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 10 năm (2009-2018).
Bảy tháng đầu năm 2019, XK tôm của Thái Lan đạt 748,8 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2018. Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá XK tôm của Thái Lan. Bên cạnh đó, Thái Lan đang gặp một số vấn đề về dịch bệnh và thu hẹp diện tích sản xuất tôm. Khả năng cạnh tranh về giá của tôm Thái Lan cũng thấp hơn so với Ấn Độ và Indonesia.
Trong top các thị trường XK tôm hàng đầu của Thái Lan, Mỹ đứng ở vị trí số một, chiếm 32,4% tổng giá trị XK tôm của nước này. Nhật đứng thứ hai với 31,8%. Tiếp đó là Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt chiếm 11% và 4,8%.
Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm Thái Lan sang Mỹ đạt gần trên 243 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, XK sang Nhật đạt gần 237,9 triệu USD, giảm 6,6%. XK sang Trung Quốc đạt 82,6 triệu USD, tăng 80,3%.
Trên thị trường Mỹ, Thái Lan đang giảm XK sang thị trường này do thuế chống bán phá giá cao, cạnh tranh mạnh về giá và nguồn cung so với các đối thủ khác như (Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia).
Trên thị trường EU, Thái Lan cũng giảm XK do phải chịu thuế cao so với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này.Tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP từ 2014 nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu đông lạnh cũng bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.
Thái Lan duy trì được khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường Trung Quốc do lợi thế giá rẻ, nhu cầu NK tôm của Trung Quốc ngày càng tăng.
Kim Thu