1. CÁC CĂN CỨ
Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;
Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép;
Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành „Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”;
Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19;
Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”;
Văn bản số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam hướng dẫn về việc tổ chức vừa cách ly, vừa sản
xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;
Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”;
Tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được triển khai tại các địa phương.
2. MỤC ĐÍCH
- Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe và môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên công trường xây dựng.
- Đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; hạn chế tác động của dịch bệnh trong quá trình thi công xây dựng.
3. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
3.1. Phạm vi
Áp dụng cho các công trình xây dựng tại các khu vực, địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg được các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức thi công xây dựng. Đối với các công trình xây dựng còn lại, khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình nghiên cứu và tham khảo áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình.
3.2. Đối tượng áp dụng
(1) Chủ đầu tư, chủ quản lý, sử dụng công trình (sau đây gọi là chủ đầu tư);
(2) Các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên công trường: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dựng, kiểm định, cung ứng vật tư, vật liệu, thiết bị...; đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển, vệ sinh và các dịch vụ khác cho người lao động ở công trường;
(3) Người lao động: Người làm việc trên công trường thuộc thẩm quyền quản lý của các tổ chức nêu tại các điểm 1 và 2 Mục này.
4. CÁC QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG
4.1 Yêu cầu chung
Tổ chức, cá nhân quy định tại Mục 3.2 Hướng dẫn này phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là phòng, chống dịch) để tổ chức hoạt động thi công xây dựng đảm bảo an toàn; chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trước pháp luật đối với nhiệm vụ được phân công.
4.2. Trách nhiệm của chủ đầu tư
(1) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Ban chỉ đạo) trên công trường, gồm: Đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát; chỉ huy trưởng, giám sát an toàn của các nhà thầu, người làm công tác y tế ... (thành viên); phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi thành viên Ban chỉ đạo và công khai thông tin liên lạc của các thành viên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm sau:
(a) Đầu mối chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch;
b) Điều phối chung và tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch trên công trường; chuẩn bị sẵn sàng phương án, kịch bản xử lý các tình huống trong trường hợp công trường bị phong tỏa, cách ly;
c) Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là “Kế hoạch”) cho công trường do nhà thầu thi công xây dựng lập;
d) Ban hành các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trên công trường, quy định về xử lý vi phạm; thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nếu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thi công xây dựng trên công trường không tuân thủ “Kế hoạch” và trách nhiệm được giao nêu tại các Mục 4.3, Mục 4.4 Hướng dẫn này;
đ) Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng cấp tỉnh hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế theo quy định của địa phương để được hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch cho công trường.
(2) Định kỳ, đột xuất giám sát và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch theo “Kế hoạch” đối với tất cả các nhà thầu trên công trường và yêu cầu các nhà thầu có phương án để khắc phục các tồn tại (nếu có).
4.3. Trách nhiệm của các nhà thầu
(1) Thành lập Tổ công tác phụ trách phòng, chống dịch COVID-19 (Tổ công tác) phù hợp với quy mô, đặc điểm, nhiệm vụ thi công trên công trường (gồm Chỉ huy trưởng, người phụ trách công tác an toàn, một số cán bộ kỹ thuật, người làm công tác y tế...); phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Tổ công tác và công khai số điện thoại để liên lạc; phối hợp với Ban chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch;
(2) Tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên công trường trước khi thi công để lập “Kế hoạch” theo nội dung tại Mục 4.5 và trình Ban chỉ đạo phê duyệt “Kế hoạch”;
(3) Đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn để thi công trên công trường theo các quy định tại Mục 4.6;
(4) Triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trên công trường; phổ biến, tuyên truyền, tập huấn cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý các quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của địa phương, của ngành y tế và của Ban chỉ đạo; xử lý vi phạm nếu các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý không tuân thủ quy định;
(5) Cập nhật và cung cấp thông tin kịp thời về các địa điểm, khu vực có dịch bệnh COVID-19 hoặc đang bị cách ly để thông báo cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý biết và chủ động phòng tránh;
(6) Đảm bảo an toàn, sức khỏe và điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người lao động trong trường hợp công trường bị phong tỏa, cách ly dài ngày (khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19);
(7) Phối hợp với Cơ sở y tế đủ năng lực để tổ chức xét nghiệm vi rút SARS- CoV-2 cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định về phòng, chống dịch, chi tiết nêu tại điểm 6 Mục 4.5 Hướng dẫn này;
(8) Chủ động liên hệ với Cơ sở y tế địa phương để sớm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý;
(9) Hạn chế các hoạt động tập trung đông người theo quy định, giảm mật độ người lao động tại các vị trí làm việc. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc trực tuyến khi thực hiện các công việc nội nghiệp trong hoạt động thi công xây dựng (ví dụ: tổ chức cuộc họp; kiểm tra/điều chỉnh thiết kế; lập bản vẽ thi công, biện pháp thi công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình và các loại công việc phù hợp khác);
(10) Tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường;
(11) Định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch của người lao động thuộc thẩm quyền quản lý để có phương án khắc phục các tồn tại (nếu có) hoặc điều chỉnh “Kế hoạch” phòng, chống dịch cho phù hợp.
4.4. Trách nhiệm của Người lao động
(1) Tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trên công trường, nơi lưu trú tập trung (nếu có); sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị, dụng cụ y tế đã được cấp phát trên công trường; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K (Khẩu trang, Khai báo y tế, Không tụ tập, Khoảng cách, Khử trùng); thực hiện các biện pháp đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế;
(2) Không được giấu các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 (mệt mỏi, sốt > 38oC, ho, đau rát họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác ...) của bản thân, người xung quanh; nếu phát hiện phải thông báo ngay với Tổ công tác trên công trường, nơi cư trú tập trung để có phương án xử trí kịp thời;
(3) Chỉ được phép làm việc trên công trường khi đảm bảo các điều kiện:
a) Trong tình trạng sức khỏe tốt; không có biểu hiện nghi nhiễm COVID- 19 như đã nêu tại điểm 2 Mục này, không thuộc đối tượng cách ly y tế theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
b) Thực hiện khai báo y tế, kê khai đầy đủ thông tin và đã tuân thủ thực hiện các quy định có liên quan của Hướng dẫn này.
4.5. Nội dung của Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19
Nội dung “Kế hoạch” theo hướng dẫn của Quyết định số 2194/QĐ- BCĐQG ngày 27/5/2020, bao gồm:
(1) Danh mục các công việc cần triển khai kèm theo người thực hiện, thời gian thực hiện; người giám sát, kiểm tra và chấp thuận.
(2) Xác định vị trí, khu vực có nguy cơ truyền nhiễm dịch trên công trường và biện pháp giảm thiểu nguy cơ và chống lây nhiễm tương ứng.
(3) Phương án vận chuyển và biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với công tác vận chuyển, cung cấp nhiên liệu, vật tư, vật liệu xây dựng và dịch vụ khác phục vụ thi công và sinh hoạt của người lao động trên công trường.
(4) Phương án vận chuyển người, mô hình tổ chức thi công tại công trường, cụ thể như sau:
a) Phương án 03 tại chỗ (thi công tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung theo quy định tại Mục VII của Hướng dẫn kèm theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021;
b) Phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc với phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến” theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021;
c) Các phương án còn lại (nếu không áp dụng 02 phương án trên): Người lao động phải có xác nhận kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng phương pháp RT-PCR) trong thời gian 72 giờ phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương trước khi vào làm việc;
d) Các phương án, mô hình tổ chức thi công khác đảm bảo an toàn và được chính quyền địa phương chấp thuận.
(5) Phương án xử trí và bố trí khu vực để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 hoặc là người tiếp xúc gần (F1, F2) với ca bệnh bị nhiễm COVID-19 (F0) được phát hiện trên công trường theo quy định tại Mục VI, VII Hướng dẫn của Quyết định số 2194/QĐ- BCĐQG ngày 27/5/2020.
(6) Phương án tổ chức xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định về phòng chống dịch:
a) Trước khi thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “1 cung “đường 2 điểm đến” thì tất cả người lao động trên công trường phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) được thực hiện theo quy định của ngành y tế.
b) Trong quá trình thi công xây dựng, người sử dụng lao động phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc, luân phiên bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, tần suất từ 5- 7 ngày/lần cho tối thiểu 20% người lao động tại công trường (lưu ý các đối tượng có nguy cơ cao: bảo vệ, tổ trưởng tổ sản xuất, quản lý kho, giao nhận vật tư thiết bị, giám sát xây dựng, giám sát an toàn, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, quản lý dự án). Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, thì tổ chức thực hiện cách ly và xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn để khẳng định và thực hiện Phương án xử trí như đã nêu tại điểm 5 của Mục 4.5 Hướng dẫn này.
(7) Phương án đảm bảo an toàn, sức khỏe và điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người lao động trong trường hợp công trường bị phong tỏa, cách ly dài ngày (khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19).
(8) Các nội dung cần thiết khác phù hợp với điều kiện thực tế của nhà thầu và đặc điểm riêng của công trường.
4.6. Điều kiện an toàn để thi công xây dựng
(1) Phải đảm bảo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại công trường được đánh giá ở mức thấp trở xuống theo hướng dẫn tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
(2) Phải tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, kiểm soát đeo khẩu trang cho tất cả người lao động ra/vào công trường; không cho phép người không có nhiệm vụ vào công trường;
(3) Phải bố trí khu vực riêng đối với người đến làm việc, giao dịch tại công trường và quản lý chặt chẽ số lượng, thông tin nơi cư trú, số điện thoại để theo dõi; bắt buộc thực hiện 5K để phòng, chống dịch;
(4) Người lao động trên công trường phải đảm bảo các điều kiện, quy định nêu tại Mục 4.4 Hướng dẫn này và phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định;
(5) Phải có biện pháp tổ chức thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định; hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần. Trong trường hợp bất khả kháng, do đặc thù công việc bắt buộc phải tiếp xúc gần dưới 2m hoặc có nguy cơ lây nhiễm thì người lao động phải được trang bị và sử dụng kính (loại ôm sát mặt) hoặc chụp mặt nạ;
(6) Phải có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo thông gió khi làm việc trong nhà, trong các không gian kín (ví dụ: phòng kín, tầng ngầm...);
(7) Phải niêm yết công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của Ban chỉ đạo trên công trường;
(8) Các tổ chức, cá nhân cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị, dịch vụ cho công trường phải có cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch với địa phương khi ra/vào công trường;
(9) Bộ phận y tế trên công trường phải được trang bị đủ các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết để phòng, chống dịch: như nhiệt độ kế, khẩu trang y tế, xà phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay (chứa ít nhất 60% cồn), thuốc thông thường... và có phòng/khu vực riêng để xử trí khi phát hiện người có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế;
(10) Đối với các khu vực phục vụ ăn, uống, chỗ ở/nghỉ cho người lao động:
a) Phải bố trí nước uống, khu vực ăn ca, khu vệ sinh, nghỉ tạm (nếu có) đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch;
b) Trong trường hợp, có tổ chức lưu trú tập trung cho người lao động thì nơi lưu trú tập trung phải đảm bảo theo quy định tại Mục VII của Hướng dẫn kèm theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021.
(11) Nếu tổ chức đưa đón người lao động bằng phương tiện ô tô phải đảm bảo các quy định về số lượng người trên xe, thông gió, đo kiểm tra thân nhiệt cho người lao động, rửa tay sát khuẩn, quản lý danh sách, vệ sinh khử khuẩn trên xe và các quy định khác;
(12) Vệ sinh môi trường, khử khuẩn hàng ngày tại nơi làm việc theo quy định tại mục V của Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 và Phụ lục 3 Quyết định 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế./
Theo moc.gov.vn