Rõ ràng xuất xứ
TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI khẳng định: “Mấu chốt của các hiệp định thương mại tự do là cắt giảm thuế, nhưng việc cắt giảm chỉ được áp dụng khi nguyên liệu sản phẩm phải được chứng minh xuất xứ từ trong khối các nước đã ký kết chứ không từ nước khác. Đối với ngành thủy sản Việt Nam, hiện vẫn còn hiện tượng nhập nguyên liệu từ các nước khác về phục vụ chế biến xuất khẩu, để hưởng các ưu đãi thuế thì nguyên liệu xuất khẩu phải xuất xứ từ Việt Nam”.
Một vấn đề nan giải của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là ngành thủy sản đó là đầu vào của sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu; trong đó nổi bật là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn, con giống. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguyên liệu cũng khiến nhiều công ty phải nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác. Bài toán về “truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm” đang được đặt ra ngày càng khắt khe hơn.
Thống kê cho thấy, sản lượng đánh bắt hải sản khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 900.000 tấn/năm, trong đó 50 - 60% dành cho xuất khẩu, nay chỉ còn khai thác được khoảng 30%; trong khi đó, giá hải sản đã tăng 20 - 30%. Một chuyên gia cho biết, “do giá nguyên liệu cao, một số doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu từ nước khác để chế biến xuất khẩu”.
Đại diện Tập đoàn Minh Phú trong một cuộc hội thảo và đối thoại cũng cho biết: “Tôm nguyên liệu chất lượng không đồng đều, khi được giá, người nuôi bán cho thương lái, không bán cho nhà máy. Để phục vụ các hợp đồng lớn đã ký, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo hợp đồng. Đó là chưa kể nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn mua trong nước”.
Nan giải
Để chủ động nguyên liệu, giảm nhập khẩu, vấn đề mấu chốt là cần nâng cao tỷ lệ nuôi trồng thành công. Các chuyên gia nước ngoài đều chung nhận xét tỷ lệ nuôi trồng thành công của Việt Nam thấp; như với tôm, tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 40%, so với các nước là 70%; dịch bệnh, tôm chết, khiến người nông dân lao đao và nhà máy thiếu nguyên liệu…
Nguyên nhân nuôi tôm thành công thấp còn được đánh giá là do tôm giống chất lượng kém. Hiện, ĐBSCL chỉ mới chủ động được 50% con giống chất lượng, có xuất xứ, còn lại là giống trôi nổi, nhập từ tỉnh khác hoặc do các trại giống nhỏ sản xuất. Giám đốc một doanh nghiệp làm giống nói: “Việc thả nổi thị trường tôm giống khiến chất lượng tôm giống kém là nguyên nhân chính dẫn đến việc nông dân nuôi trồng thiếu hiệu quả, tôm chết hoặc chậm lớn, không đồng đều, màu sắc kém, khó xuất khẩu”.
Hiện, một số tập đoàn lớn như C.P. Việt Nam, Việt - Úc… đã sản xuất được số lượng con giống rất đáng kể, nhưng hiện tượng thiếu tôm giống bố mẹ, thậm chí khủng hoảng tôm giống bố mẹ vẫn diễn ra thường xuyên. Tham quan trại giống của C.P. Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi được tận mặt nhìn thấy quá trình gầy dựng đàn tôm bố mẹ của doanh nghiệp Thái Lan, với phả hệ tôm giống bố mẹ rất rõ ràng, công phu, trải qua mấy chục năm nghiên cứu. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp làm giống Việt Nam chỉ nhập khẩu tôm giống bố mẹ về sản xuất và không nghiên cứu để tự chủ nguồn tôm giống bố mẹ.
Vấn đề nhân công
Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung đặc biệt là ngành thủy sản vẫn có hiện tượng lao động mùa vụ, làm việc không có hợp đồng, không bảo hiểm. Một doanh nghiệp tại Bình Đại, Bến Tre cho biết: “Hàng năm vẫn có một quãng thời gian chúng tôi không nuôi tôm, nên công nhân về nhà đi làm việc khác. Thời gian đó, đa số doanh nghiệp không trả lương, nên nhân công đi làm việc mưu sinh, dẫn tời ngành tôm luôn bị thiếu nhân công”.
Thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 900 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì có khoảng 60% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động. Số lao động thiếu hụt khoảng 7.000 người. Có những công ty thủy sản tuy nhiều nhân công nhưng 90% là lao động thời vụ. Khan hiếm nhân lực trong ngành thủy sản ở nhiều cấp độ. Ngành giáo dục các tỉnh phía Nam cho biết, số lượng chỉ tiêu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản năm 2018 đã vượt quá số lượng sinh viên tốt nghiệp của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Cụ thể, đã có hơn 10 doanh nghiệp với 400 chỉ tiêu tuyển dụng trong khi số lượng sinh viên ra trường của cả 3 ngành đào tạo thủy sản chỉ khoảng 300 sinh viên. Hiện, cả nước có hơn 50 trường đại học và cao đẳng chuyên đào tạo, hoặc có đào tạo ngành nghề liên quan ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Tổng Thư ký VASEP ông Trương Đình Hòe cho rằng: “Tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với các thị trường quan trọng mà trước đây khó tiếp cận. Mức thuế ưu đãi sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các đối thủ. Song để có thể tận dụng tối đa ưu đãi mà các hiệp định đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa đến quyền lợi người lao động”.