Hơn một tháng sau khi cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kiểm tra 100% lô hàng theo quyết định của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm – FSIS thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ kể từ ngày 2/8/2017 thay vì ngày 1/9, lượng cá tra của Việt Nam xuất sang thị trường này đã giảm đáng kể.
Nguyên nhân giá xuất khẩu tăng là bởi việc phía Mỹ kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu đã đẩy chi phí tăng mạnh. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất sang Mỹ hiện đã gần đạt mức 2 USD/pao (1 pao gần 0,45 kg), tức gần 4 USD/kg. Dự báo giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng trong vài tháng tới và lên trên 2 USD/pao. Các doanh nghiệp cho biết, với mức giá 4 USD/kg doanh nghiệp có lãi khoảng 16.000-20.000 đồng mỗi kg.
Theo Quản lý thu mua của Công ty Western Edge Seafood tại Mỹ, ông Don Kelley, cùng với các chi phí hiện tại, mức giá thị trường sẽ tăng lên khoảng 2,05 USD đến 2,15 USD/pao. Mức giá cao như vậy phần lớn là do các chi phí liên quan đến USDA chứ không phải là do chi phí nguyên liệu. Hiện tại, các lô hàng đang chờ lấy mẫu (100% lô hàng) để thanh tra, sau đó từ ngày 1/9/2017, Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill), điều này có thể gây ra sự chậm trễ trong việc sửa đổi ghi nhãn.
Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 22% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam và cũng là thị trường có giá bán cao nhất. Việc Mỹ đưa ra các phán quyết bất lợi, nếu có, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường này.
Theo báo cáo thương mại thủy sản của VASEP, trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất sang thị trường Mỹ đạt 220,8 triệu USD chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 3,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, rào cản xuất khẩu sang thị trường này vẫn rất lớn và đó là thử thách đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Hiện chỉ có 3-4 doanh nghiệp chính còn tiếp tục bám trụ tại thị trường Mỹ với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá tra cắt khúc, cá tra phile đông lạnh, cá tra cuộn đông lạnh, cá tra phile tẩm bột, cá tra bỏ đầu, khứa khoanh, cá tra bỏ đầu xẻ bướm và cá tra nguyên con đông lạnh.
Việc giá cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng không hẳn là điều đáng mừng, bởi kể từ ngày 2/8, khi các lô hàng nhập khẩu bị thanh tra thì chi phí cho cá tra Việt Nam sẽ bị đội lên khá nhiều. Nguyên nhân vì toàn bộ chi phí kiểm tra cho mỗi lô hàng đều do nhà xuất khẩu phải chịu. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá việc này mang lại hệ quả tốt hơn, tạo cho các doanh nghiệp thói quen làm ăn đàng hoàng, thói quen có trách nhiệm, có ý thức kiểm tra nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì hơn ai hết, doanh nghiệp thừa biết nếu vẫn bán cá tra kém chất lượng sang Mỹ sau ngày 2/8, thì nguy cơ bị trả về, nguy cơ bị cấm xuất khẩu là rất cao khi FSIS nâng tần suất kiểm tra lên 100%.
Sản lượng cá tra của Mỹ năm 2017 dự kiến thấp hơn ăm 2016, mức giá có thể ổn định từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 năm nay. Thường vào thời điểm này, nhu cầu cá tra phục vụ cho dịp lễ tết tăng, đẩy giá tăng. Ngoài ra, sự thiếu hụt cá giống tại các ao nuôi vào đầu năm, thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản lượng cá tra năm 2017.
Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL những ngày đầu tháng 9 cùng xu hướng so với tháng 8, ổn định ở mức tương đối cao và tăng giá tại một số địa phương, dao động quanh mức 22.000-25.000 đ/kg tùy theo từng chất lượng cá và phương thức thanh toán.
Dự báo, trong những ngày còn lại của quý III/2017, giá cá tra ổn định và tiếp tục dao động ở mức 22.000-26.000 đ/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra tại ĐBSCL có lãi, tuy nhiên phần lớn xuất khẩu sang các thị trường lớn đang gặp nhiều khó khăn do đó thời gian tới, giá cá tra rất khó có sự đột biến nên cả người nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường để cân đối diện tích và sản lượng nuôi cho phù hợp.
Theo Tri thức trẻ