Trong top 6 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, 8 tháng đầu năm 2019, xét về khối lượng, NK từ Ấn Độ tăng 13%, NK từ Việt Nam tăng 10%, NK từ Ecuador tăng 10%. NK từ các nguồn cung còn lại giảm như Indonesia giảm 3%, Thái Lan giảm 10% và Trung Quốc giảm mạnh nhất 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm tốc so với những tháng đầu năm nay do sản xuất tôm Ấn Độ năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh và giá tôm giảm, khiến sản lượng giảm.
NK tôm vào Mỹ từ Ecuador tăng, ngược lại với xu hướng giảm của 6 tháng đầu năm nay và năm 2018. 5 công ty tôm lớn của Ecuador bị cấm tạm thời XK sang Trung Quốc nên Ecuador tăng cường cung cấp cho các thị trường chính khác như Mỹ, EU.
NK tôm vào Mỹ từ Thái Lan vẫn duy trì xu hướng giảm từ năm 2018. Cho tới nay, XK tôm Thái Lan sang Mỹ vẫn chưa thể phục hồi đà tăng trưởng dương. Ngày 25/10/2019, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố tổng thống Donald J. Trump đã dừng 1,3 tỷ USD ưu đãi thương mại dành cho Thái Lan theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) do nước này không đáp ứng các yêu cầu quốc tế về quyền của người lao động. Quyết định này sẽ có hiệu lực với Thái Lan sau 6 tháng kể từ ngày công bố quyết định. Dự kiến, XK thủy sản trong đó có tôm của Thái Lan sang Mỹ sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
NK tôm vào Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh nhất trong số các nguồn cung tôm chính cho Mỹ. Từ 1/10/2019, Mỹ đã tăng thuế 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa NK từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. XK tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng không thể tăng.
Tại thị trường Mỹ, Ấn Độ vẫn đứng đầu về thị phần (39%) nhưng giá trung bình tôm Ấn Độ tại thị trường này giảm từ 9 USD/kg của 8 tháng đầu năm 2018 xuống 8,2 USD/kg trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi tôm Việt Nam giảm từ 11 USD/kg xuống 10,4 USD/kg. Thị phần của Ấn Độ 8 tháng đầu năm nay đạt 39%, tăng từ 35,5% của cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Việt Nam tăng từ 9,2% trong 8 tháng đầu năm 2018 lên 10,1% trong 8 tháng đầu năm nay. So với các nguồn cung tôm châu Á và Mỹ Latinh cho thị trường Mỹ, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao nhất.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, XK tôm bao bột từ Việt Nam vào Mỹ 8 tháng đầu năm nay đạt 7.098 tấn, trị giá 50,8 triệu USD, tăng 57% về khối lượng và 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đây được coi là 1 tín hiệu tích cực cho XK tôm Việt Nam sang Mỹ.
Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, lần lượt chiếm 31%, 26%, và 25% tổng giá trị NK tôm bao bột của Mỹ. Trong 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, Trung Quốc đang phải chịu thuế 30%, dẫn tới sản lượng tôm bao bột của Trung Quốc cung cấp cho Mỹ sụt giảm mạnh 33% về giá trị và 27% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh XK các sản phẩm tôm truyền thống của Việt Nam (như hàng IQF) sang Mỹ đang bị cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ (lợi thế giá rẻ) và Indonesia (không phải chịu thuế chống bán phá giá). Tôm bao bột là mặt hàng có tỉ suất lợi nhuận cao nên DN Việt Nam vẫn nên tiếp tục đẩy mạnh XK tôm bao bột sang Mỹ.