Năm ngoái, Covid-19 đã tấn công như lũ quét nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này. Tuy nhiên, theo phân tích từ dữ liệu của GlobalData, 1/3 dân số nước này đang tìm kiếm mua sản phẩm thủy sản đông lạnh giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như cá tra. Nửa đầu năm 2021, doanh số bán thủy sản, thực phẩm đông lạnh của nước này đã tăng lên, nhất là các sản phẩm tiện lợi giúp họ giảm bớt thời gian chế biến hay số lượt phải đến mua tại các cửa hàng, siêu thị.
Hiện nay, người dân Brazil sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm chế biến hay đông lạnh miễn sao chất lượng tốt, có lợi cho sức khỏe và giàu năng lượng.
Nửa đầu năm 2021, có gần 20 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia XK sang thị trường Brazil, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH Công Nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA – Cần Thơ); Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương (HH FISH – Bến Tre) và Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II (CADOVIMEX II - Đồng Tháp).
Hiện tại, các DN chế biến cá tra đang XK chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang Brazil. Tuy nhiên, theo báo cáo của GlobalData thì nhu cầu sản phẩm chế biến tiện lợi đang gia tăng mạnh mẽ ở nước này. Đặc biệt, tại thành phố São Paulo đông dân và giàu có nhất Brazil được coi là nơi dẫn đầu xu hướng tiêu thụ cả nước đang tìm kiếm sản phẩm thủy sản đông lạnh hoặc chế biến tiện lợi, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Đó đang là ưu tiên hàng đầu.
Từng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 Brazil và là quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao thứ 2 sau Mỹ, giờ đây nhiều thành phố, thủ phủ của các bang tại Brazil đang hồi sinh kỳ diệu nhờ chiến dịch tiêm vaccine thần tốc. Do đó, đây là thời kỳ tốt để các nhà XK cá tra phát triển sang thị trường này.
Mặc dù nhìn thấy cơ hội cho XK cá tra trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia đang phục hồi và tăng mạnh mẽ nhưng các DN Xk cá tra tại ĐBSCL đang đứng trước muôn vàn khó khăn do buộc phải giảm tối đa công suất chế biến, mọi nỗ lực của các DN đang tập trung vào phòng chống dịch Covid-19 len lỏi sâu rộng vào các nhà máy. Do đó, để biến những thời cơ trên thành kết quả thì buộc DN phải ổn định lại sản xuất và không chật vật lo chống đỡ dịch bệnh bị lan tràn vào đội ngũ công nhân, người lao động.
Nguồn: Vasep